Phát triển gameshow truyền hình về ẩm thực: Quảng bá văn hóa ẩm thực Việt
VHO- Với sự nở rộ của gameshow truyền hình, mảng đề tài về văn hóa ẩm thực cũng đang tạo ra những hiệu ứng nhất định. Ngày càng nhiều gameshow ẩm thực phủ sóng từ màn ảnh nhỏ đến các nền tảng trực tuyến, giúp khán giả có thêm cơ hội tìm hiểu về món ăn truyền thống các vùng miền. Văn hóa ẩm thực nước nhà cũng có thêm cơ hội “cất cánh” khi được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhiều món ăn vùng miền được giới thiệu trong “Ẩm thực kỳ thú”
Phiêu lưu qua những miền văn hóa
Ngoài gameshow về âm nhạc, người mẫu…, các chương trình về ẩm thực cũng đang trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của khán giả. Thiên đường ẩm thực, Đấu trường ẩm thực, Muốn ăn phải lăn vào bếp, Bản sao hoàn hảo, Chuẩn cơm mẹ nấu, Ẩm thực kỳ thú... đều là những chương trình thu hút lượng khán giả theo dõi cao.
Với slogan Ăn không chỉ để no, ăn còn lo cho sức khỏe cùng cách khai thác hài hước và luôn mời được dàn “sao” tên tuổi tham gia, Thiên đường ẩm thực ngay từ những số phát sóng đầu tiên đã có nhiều clip triệu view trên nền tảng mạng xã hội. Những món ăn “mỹ vị nhân gian” nhưng lại ít người biết đến được giới thiệu trong chương trình đã giúp khán giả hiểu hơn về sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Việt. Cùng với đó, nhiều kiến thức về cách ăn uống tốt cho sức khỏe cũng được cung cấp tới khán giả, giúp chương trình trở thành một trong những gameshow chất lượng, được công chúng nhiệt tình ủng hộ.
Tương tự, Ẩm thực kỳ thú cũng chuyển tải những hình ảnh sinh động, giúp khán giả khám phá nét đẹp của nhiều vùng miền trên cả nước như Hà Nội, Sa Pa, Lai Châu, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết... Những món ăn độc đáo, hấp dẫn của đồng bào các DTTS được quảng bá rộng rãi, từ đó khán giả đã “bỏ túi” không ít công thức chế biến món ăn hấp dẫn cho gia đình. Suốt quá trình phát sóng, Ẩm thực kỳ thú luôn nhấn mạnh vào yếu tố quảng bá văn hóa ẩm thực, cũng chính là quảng bá những tinh hoa lâu đời của người dân Việt Nam, góp phần đưa hình ảnh du lịch địa phương đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Đang phát sóng trên VTV3, Của ngon vật lạ chiếm được cảm tình khi đưa khán giả du lịch qua màn ảnh nhỏ đến các địa phương để tìm hiểu về văn hóa, món ăn truyền thống. Bên cạnh đó, tại trường quay, các gia đình sẽ thỏa sức biến tấu, sáng tạo để tạo ra những phiên bản món ăn mới đầy ngẫu hứng và mang đậm hương vị tình thân.
Những chương trình truyền hình về văn hóa ẩm thực còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình
Không đơn thuần là giải trí
Vẫn một “công thức” cũ là mời dàn sao nổi tiếng, song nét thu hút khán giả của những gameshow về ẩm thực chính là cách thức thể hiện, tạo sự tò mò cho người xem và xoáy sâu vào yếu tố độc, lạ, đặc trưng của mỗi địa phương. Đáng nói, các nhà sản xuất gần đây đã chú trọng mở rộng đối tượng người xem, hướng đến khán giả trẻ. Một số chương trình như Thiên đường ẩm thực, Street Food Stories, Amazing Vietnam đều thêm phụ đề tiếng Anh để khán giả nước ngoài thưởng thức. Không cần đến drama hay khung “giờ vàng”, những chương trình này luôn sở hữu rating cao ngất ngưởng.
Có thể nói, một trong những yếu tố làm nên thành công của những gameshow về văn hóa ẩm thực là tính “thực tế”. Không cố gắng gượng ép để chọc cười khán giả, những tình huống, thử thách gần gũi đưa ra trong chương trình mang đến cảm xúc, thoả mãn tính giải trí của người xem. Đồng thời, khó khăn mà dàn khách mời gặp phải đều chân thực; không ít thử thách là những công việc mọi người vẫn làm hằng ngày nên dễ tạo sự đồng cảm cho người xem.
Ở khía cạnh nội dung, nhiều gameshow mảng này còn giúp khán giả hình thành thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để nâng cao sức khỏe. Trong quá trình chế biến món ăn, dàn khách mời luôn cố gắng lồng ghép nhiều mẹo vặt để tăng hương vị, cũng như bổ sung thêm dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Không ít khán giả chia sẻ, sau khi xem chương trình, họ cảm thấy “yêu bếp, nghiện nhà” hơn, muốn tự tay chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Văn hóa ẩm thực cũng từ đây được tôn vinh, nâng tầm thông qua những câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ và ý nghĩa của các món ăn.
Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia tại thị trường Việt Nam của Meta cho rằng, văn hóa ẩm thực và du lịch luôn nằm trong nhóm những nội dung được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trên cả hai nền tảng Facebook và Instagram của Meta. Đây là cơ hội đặc biệt cho các nhà sáng tạo hợp tác, sản xuất nội dung và khám phá những trải nghiệm đặc sắc chỉ có ở Việt Nam; tham gia quảng bá về văn hóa và đất nước hình chữ S tới bạn bè quốc tế theo cách mới mẻ, hiệu quả.
Văn hóa ẩm thực được xem là nội dung dễ tạo đột phá nhất trong sản xuất gameshow. Không chỉ đem lại lợi nhuận cho nhà đài, đơn vị sản xuất, các chương trình này chính là “cánh tay nối dài”, tạo hiệu ứng lan tỏa trong quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam. Tuy nhiên để văn hóa ẩm thực Việt được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, chiến lược phát triển dài hơi cho những chương trình này cần được tính toán, bởi không ít gameshow đã phải “dừng chân” sau ít mùa phát sóng. Chi phí sản xuất cao do phải đi đến nhiều nơi xa xôi để sản xuất, mời nghệ sĩ nổi tiếng... khiến một số đơn vị e dè. Thế nhưng, khi chương trình thành công thì giá trị mang lại là không thể đong đếm. Nhiều điểm du lịch vùng cao như Hang Táu (Mộc Châu, Sơn La), Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu)... sau khi chương trình đi qua đã trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Do đó, có thể thấy một show ẩm thực thú vị, ngoài việc quảng bá món ngon các vùng miền, còn có thể kích cầu du lịch, hấp dẫn du khách đến với địa phương, qua đó, tạo kế sinh nhai cho bà con cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
ĐÌNH TOÁN